Truyền giáo Kháng_Cách

Suốt gần 100 năm sau cuộc Cải cách Tin Lành, do bị vướng bận vào cuộc đấu tranh sinh tồn với Giáo hội Công giáo Rôma, cộng đồng Kháng Cách không mấy quan tâm đến công cuộc truyền giáo.

Song, trong các thế kỷ tiếp theo, ngày càng có nhiều nhà truyền giáo Kháng Cách được gởi đến nhiều xứ sở trên khắp thế giới để công bố thông điệp Cơ Đốc cho các dân tộc. Tại Bắc Mỹ, trong số các nhà truyền giáo tiếp xúc với người Mỹ bản địa có Jonathan Edwards, nhà thuyết giáo nổi tiếng của cuộc Đại Thức tỉnh, từ năm 1750, ông dành phần còn lại trong đời để chuyên tâm truyền giáo cho người dân bộ lạc Housatonic, và giúp họ chống lại sự bóc lột của người da trắng.

Giáo hội Moravian

Giáo hội Moravian đặc biệt quan tâm đến công cuộc truyền giáo. Khi giáo hội chỉ quy tụ 300 tín hữu tại Herrnhut, họ đã cử người đi truyền giáo. Trong vòng 30 năm, giáo hội đã gởi hàng trăm giáo sĩ đến nhiều nơi trên thế giới như vùng Ca-ri-bê, Bắc MỹNam Mỹ, Bắc Cực, Phi châu, và vùng Viễn Đông.

William Carey, người được xem là "Cha đẻ công cuộc truyền giáo đương đại".

Họ là giáo hội Kháng Cách đầu tiên thi hành mục vụ cho người nô lệ, cũng là những nhà truyền giáo Kháng Cách đầu tiên tìm đến những vùng đất mới để quảng bá thông điệp phúc âm. Từ năm 1732, đã có một cơ sở truyền giáo Moravian được thiết lập trên đảo St Thomas thuộc vùng Ca-ri-bê.[7]

William Carey

Tại Anh khoảng năm 1780, một người thợ đóng giày trẻ tuổi tên William Carey bắt đầu đọc một quyển sách của Jonathan Edwards viết về một mục sư đã quá cố, David Brainerd, người đã tận tụy giúp đỡ người da đỏ ở Bắc Mỹ bằng cách mở trường học và rao giảng phúc âm; Carey cũng bị thu hút bởi những chuyến du hành của James Cook khám phá quần đảo Polynesia. Từ đó, ông chú tâm đến trách nhiệm truyền giáo cho các dân tộc trên thế giới. Carey tự học tiếng Hi Lạp, Hebrew, Ý, Hà Lan, Pháp, và tìm đọc nhiều sách.

Năm 1792, Carey viết tiểu luận nổi tiếng Tra vấn về Bổn phận của Cơ Đốc nhân sử dụng mọi phương tiện để đem người khác đến với Đức tin Cơ Đốc. Không phải là một cuốn sách thần học khô khan, Carey sử dụng những dữ liệu địa lý và dân tộc học tốt nhất thời ấy để vẽ bản đồ và trình bày số lượng các dân tộc cần nghe Phúc âm, giúp khởi phát phong trào truyền giáo bùng nổ mạnh mẽ cho đến nay. Sau 34 năm hoạt động truyền giáo, năm 1834, Carey từ trần tại Serampore, Ấn Độ.

Thomas Coke

Thomas Coke, Giám mục đầu tiên của Giáo hội Giám Lý Mỹ, được gọi là "Cha đẻ công cuộc truyền giáo Giám Lý". Sau một thời gian ở Mỹ để cùng Giám mục Francis Asbury gây dựng hội thánh còn non trẻ, Coke rời tân thế giới để hiến mình cho công cuộc truyền giáo ở Tây Ấn. Khi ở Mỹ, ông đã hoạt động tích cực để tìm kiếm sự hỗ trợ cho các cơ sở truyền giáo, đồng thời tuyển dụng thêm nhân lực.

Dù qua đời năm 1803 khi đang trên tàu đến Sri Lanka để mở cơ sở truyền giáo mới, di sản của ông để lại cho các tín hữu Giám Lý – lòng nhiệt huyết cho công cuộc truyền giáo - vẫn còn đến ngày nay.

Hudson Taylor và Hội Truyền giáo Nội địa Trung Hoa

Làn sóng truyền giáo kế tiếp, khởi phát từ đầu thập niên 1850, chủ trương tiến sâu vào nội địa, với Hudson TaylorHội Truyền giáo Nội địa Trung Hoa. Năm 1883, Henry Grattan Guinness thành lập Đại học Cliff để đào tạo và cung ứng giáo sĩ cho hội truyền giáo.

Hội nghị Truyền giáo Thế giới năm 1910 tại Edinburgh, Scotland.

Taylor chủ trương hội nhập với người dân địa phương, ông mặc trang phục Trung Hoa và nói tiếng Hoa ngay cả khi ở nhà. Các tác phẩm, những bài diễn thuyết, và đời sống của Taylor là nhân tố giúp hình thành nhiều tổ chức truyền giáo, trong đó có Phong trào Sinh viên Tình nguyện (SVM). Từ năm 1850 đến 1950, phong trào này đã gởi đi gần 10 000 nhà truyền giáo, nhiều người trong số họ đã thiệt mạng do không hợp với thổ nhưỡng địa phương.

Hội nghị Truyền giáo Edinburgh 1910

Năm 1910, Hội nghị Truyền giáo Edinburgh được tổ chức ở Scotland dưới quyền chủ tọa của John Mott (khôi nguyên giải Nobel Hòa bình năm 1946), nhà lãnh đạo tích cực của SVM và là một tín hữu Giám Lý. Hội nghị xem xét tình trạng truyền bá phúc âm, phiên dịch Kinh Thánh, vận động sự hỗ trợ của hội thánh, và huấn luyện giới lãnh đạo địa phương. Hội nghị không chỉ thiết lập cơ chế hợp tác liên giáo hội cho công cuộc truyền giáo mà còn lập nền cho phong trào đại kết tôn giáo.

Hội Phiên dịch Kinh Thánh Wiclyffe

Năm 1935 chứng kiến sự ra đời của làn sóng truyền giáo khởi phát bởi hai nhà truyền giáo Cameron TownsendDonald McGavran. Nhận thấy rằng dù đã tiếp cận nhiều khu vực địa lý khác nhau, vẫn còn nhiều nhóm dân tộc bị cô lập bởi lý do ngôn ngữ hoặc giai cấp, Cameron thành lập Hội Phiên dịch Kinh Thánh Wycliffe chuyên tâm phiên dịch Kinh Thánh ra các ngôn ngữ địa phương, còn McGavran tập chú vào nỗ lực xóa bỏ các rào cản văn hóa và giai cấp tại những xứ sở như Ấn Độ, đất nước này có 4 600 ngôn ngữ, dân chúng bị chia cắt bởi sự khác biệt trong ngôn ngữ, văn hóa, và giai cấp.

Một khía cạnh quan trọng trong chiến lược truyền giáo là chính người địa phương thiết kế phương pháp tiếp cận với đồng bào của họ. Tại châu Á, chiến lược này được khởi xướng bởi những nhân vật như Tiến sĩ G. D. James của Singapore, Mục sư Theodore Williams của Ấn Độ, và Tiến sĩ David Cho của Hàn Quốc.

Đi đôi với nỗ lực truyền tải thông điệp Cơ Đốc, các tổ chức truyền giáo thường cung ứng cho người dân địa phương các loại dịch vụ y tế và phúc lợi. Hàng ngàn trường học, trại mồ côi, và bệnh viện được thành lập bởi các cơ sở truyền giáo.